Lịch sử khí tượng Bão_Tip_(1979)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào tháng 10 năm 1979, ba hoàn lưu đã phát triển trong phạm vi một rãnh gió mùa trải dài từ Philippines đến quần đảo Marshall. Đến ngày 3 tháng 10, vùng nhiễu động ở phía Đông Nam Guam đã phát triển thành bão nhiệt đới Roger, và sau đó, trong cùng ngày, vùng nhiễu động nhiệt đới mà sau này trở thành bão Tip đã hình thành trên khu vực phía Nam Pohnpei. Dòng thổi mạnh vượt xích đạo đã được cuốn vào trong hoàn lưu gió của Roger, ban đầu ngăn cản những sự phát triển đáng kể của vùng nhiễu động tiền thân của Tip. Bất chấp mô hình trên không không thuận lợi, hệ thống dần tổ chức khi di chuyển về phía Tây. Do chịu tác động từ mô hình hoàn lưu rộng lớn của bão Roger, vùng nhiễu động di chuyển thất thường và chậm rãi thực hiện một vòng lặp trong quỹ đạo trên khu vực Đông Nam Chuuk. Vào cuối 4 tháng 10, một chiếc máy bay thám trắc bay vào bên trong hệ thống đã xác nhận sự hiện hữu của một hoàn lưu mực thấp kín, và đến sáng ngày 5 tháng 10 Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã ban hành cảnh báo đầu tiên của họ về áp thấp nhiệt đới Twenty-Three (23W).[1]

Bão Tip vào thời điểm mạnh nhất, ảnh chụp đêm đã được chỉnh sáng bởi NOAAẢnh vệ tinh bao quát của Tip khi nó ở gần trạng thái mạnh nhất và ở phía Tây, bão Sarah đang tiến gần Việt Nam

Trong quãng thời gian thực hiện một vòng lặp trên khu vực gần Chuuk, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão nhiệt đới Tip, dù vậy nó đã không thể tổ chức hơn được một cách đáng kể do chịu sự ảnh hưởng từ bão nhiệt đới Roger. Sau khi trôi dạt thất thường trong vài ngày, đến ngày 8 tháng 10, Tip bắt đầu di chuyển ổn định theo hướng Tây Bắc. Vào thời điểm đó, bão nhiệt đới Roger đã trở thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới, dẫn đến dòng thổi ra ở phía Nam của nó bị cuốn vào trong Tip. Lúc này, một rãnh trên tầng đối lưu di chuyển đến phía Bắc Guam đã cung cấp một kênh dòng thổi ra hoàn hảo ở phía Bắc Tip. Ban đầu, cơn bão được dự báo sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc và đổ bộ vào Guam, dù vậy đến sáng ngày mùng 9 nó đã chuyển hướng Tây, đi qua khu vực cách hòn đảo khoảng 45 km (28 dặm) về phía Nam. Cuối ngày hôm đó, Tip mạnh lên thành một cơn bão cuồng phong.[1]

Nhờ điều kiện rất thuận lợi, Tip tăng cường nhanh chóng trên vùng biển rộng lớn ngoài khơi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vào cuối ngày 10 tháng 10, cơn bão đã đạt đến sức gió tương đương với bão cấp 4 trong thang bão Saffir-Simpson, trước khi trở thành một siêu bão trong ngày hôm sau. Áp suất trung tâm đã giảm 92 mbar (92,0 hPa; 2,72 inHg) từ ngày 9 đến ngày 11; và trong quãng thời gian đó mô hình hoàn lưu của Tip đã mở rộng ra một vùng rộng lớn có đường kính kỷ lục 2.220 km (1380 dặm). Sau đó, cơn bão đã tiếp tục tăng cường, và đến sáng ngày 12 tháng 10 máy bay thám trắc đã ghi nhận một áp suất thấp kỷ lục trên toàn cầu là 870 mbar (870,0 hPa; 25,69 inHg), cùng với sức gió 305 km/giờ (190 dặm/giờ), khi đó vị trí của Tip nằm cách Guam khoảng 840 km (520 dặm) về phía Tây - Tây Bắc.[1] Cơ quan Khí tượng Nhật Bản trong dữ liệu theo dõi chuẩn xác nhất của mình đã niêm yết sức duy trì 10 phút tối đa của Tip lúc đạt đỉnh là 260 km/giờ (160 dặm/giờ).[3] Tại thời điểm mạnh nhất, mắt của cơn bão có bề rộng 15 km.[1] Đến chiều ngày 13 tháng 10, Tip vượt qua kinh tuyến 135° Đông, điều kiện thúc đẩy Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) ban hành những cảnh báo về cơn bão, và nó đã được tổ chức này chỉ định cho một cái tên địa phương là Warling.

Sau khi đạt đỉnh, Tip suy yếu với sức gió giảm xuống còn 230 km/giờ (145 dặm/giờ) và cường độ đó được duy trì trong vài ngày tiếp theo khi nó di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc. Đến thời điểm 5 ngày sau khi đạt cường độ tối đa, bán kính trung bình của vùng gió có vận tốc hơn 55 km/giờ (34 dặm/giờ) đã trải rộng hơn 1.100 km (684 dặm). Vào ngày 17 tháng 10, Tip bắt đầu suy yếu dần và giảm kích thước. Ngày hôm sau, cơn bão vòng lại hướng Đông Bắc dưới sự ảnh hưởng của một rãnh tầng trung. Sau khi vượt qua khu vực cách Okinawa khoảng 65 km (40 dặm) về phía Đông, Tip tăng tốc độ di chuyển lên tới 75 km/giờ (47 dặm/giờ). Vào ngày 19 tháng 10, cơn bão đổ bộ lên đảo Honshū của Nhật Bản với sức gió khi đó vào khoảng 130 km/giờ (81 dặm/giờ). Sau đó, Tip tiếp tục tăng tốc về phía Đông Bắc, di chuyển qua hòn đảo và trở thành một xoáy thuận ngoại nhiệt đới trên khu vực Bắc Honshū, một vài giờ sau khi đi vào đất liền.[1] Xoáy thuận ngoại nhiệt đới, tàn dư của Tip tiến về phía Đông Bắc và suy yếu dần, vượt đường đổi ngày quốc tế trong ngày 22 tháng 10. Hệ thống được quan sát lần cuối trên khu vực gần quần đảo Aleutian, gần Alaska.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Tip_(1979) http://ams.confex.com/ams/pdfpapers/75465.pdf http://books.google.com/books?id=T1NZpiI_3XgC&dq http://news.google.com/newspapers?id=1MZUAAAAIBAJ&... http://hamptonroads.com/2005/09/rare-category-5-hu... http://www.ssd.noaa.gov/PS/TROP/DATA/2013/tdata/wp... http://www.vos.noaa.gov/MWL/aug1998.pdf http://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-h... http://www.seabee.navy.mil/index.cfm/8476 http://www.fuji.usmc.mil/about/fire.html http://journals.ametsoc.org/doi/pdf/10.1175/1520-0...